Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm, đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;
3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
e) Chết.
II/ Quyền lợi được hưởng:
1. Mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp: (Điều 50 Luật Việc làm)
a/ Mức trợ cấp thất nghiệp:
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
b/ Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp:
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
c/ Thời điểm được tính hưởng trợ cấp thất nghiệp:
Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật Việc làm.
2. Quyền lợi khác:
- Được hưởng chế độ BHYT trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp (Điều 51 Luật Việc làm);
- Được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí (Điều 54 Luật Việc làm);
- Được hỗ trợ chi phí học nghề (Điều 55, 56 Luật Việc làm).
3. Hỗ trợ học nghề:
3.1. Đối tượng được hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm có nhu cầu học nghề được hỗ trợ 1 lần để học 1 nghề tại cơ sở dạy nghề, bao gồm:
a) Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động, đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm và chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ;
b) Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 9 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật;
3.2. Thời gian hỗ trợ học nghề:
Thời gian hỗ trợ học nghề theo thời gian học nghề thực tế nhưng không quá 06 tháng.
3.2. Mức hỗ trợ học nghề:
Mức hỗ trợ học nghề theo Quyết định số 77/2014/QĐ_TTg của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015. Đối với người lao động đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trước ngày 01 tháng 01 năm 2015 và có nhu cầu học nghề sau ngày 01 tháng 01 năm 2015 thì được áp dụng các quy định tại Quyết định này.
Mức hỗ trợ tối đa 01 (một) triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề.
Trường hợp người lao động tham gia khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở dạy nghề thì số ngày lẻ đó được tính tròn là 01 (một) tháng để xác định mức hỗ trợ học nghề.
Đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tham gia khóa học nghề có mức chi phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ học nghề thì phần vượt quá mức hỗ trợ học nghề do người lao động tự chi trả.
3.3. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề: (Điều 24 Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015):
a) Đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, hồ sơ nộp cho Trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị hỗ trợ học nghề theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.
b) Đối với người thất nghiệp có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 9 tháng trở lên, nhưng không thuộc diện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hồ sơ nộp cho Trung tâm dịch vụ việc làm địa phương nơi người lao động có nhu cầu học nghề, hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị hỗ trợ học nghề theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.
- Bản chính hoặc bản sao chứng thực Quyết định chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐ làm việc đã hết hạn hoặc Quyết định thôi việc hoặc Quyết định sa thải hoặc Quyết định kỷ luật buộc thôi việc hoặc thông báo chấm dứt hợp đồng lao động.
- Sổ bảo hiểm xã hội.
4. Tạm dừng, tiếp tục, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp: (Điều 53 Luật Việc làm):
4.1. Tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp:
- Không thông báo về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng với Trung tâm dịch vụ việc làm.
4.2. Tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp:
Người lao động bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu vẫn còn thời gian được hưởng theo quyết định thì tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp khi thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định
4.3. Chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp:
a) Hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp;
b) Tìm được việc làm;
c) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
d) Hưởng lương hưu hằng tháng;
đ) Sau 02 lần từ chối nhận việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu mà không có lý do chính đáng;
e) Không thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định tại Điều 52 của Luật này trong 03 tháng liên tục;
g) Ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
h) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
i) Bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm thất nghiệp;
k) Chết;
l) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
m) Bị tòa án tuyên bố mất tích;
n) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù.
5. Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp:
5.1. Sau thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ghi trong phiếu hẹn trả kết quả, nếu người lao động không đến nhận quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được coi là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp, trừ trường hợp ốm đau, thai sản, tai nạn, hoặc hỏa hoạn, thiên tai, dịch bệnh. (Khoản 3 Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015).
5.2. Sau thời hạn 03 tháng kể từ ngày người lao động hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp và không thông báo bằng văn bản với tổ chức bảo hiểm xã hội nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động đó được xác định là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với số tiền trợ cấp thất nghiệp mà người lao động không đến nhận được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định. (Khoản 6 Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015).
5.3. Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 36 tháng thì những tháng lẻ chưa giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định. Khoản 7 Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015).
5.4. Người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc các trường hợp quy định tại các điểm b, c, h, l, m và n (của mục 4.3 nêu trên) được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo. Thời gian bảo lưu được tính bằng tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trừ đi thời gian đóng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo nguyên tắc mỗi tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng 12 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.
6. Thời hạn, thủ tục nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp: (Khoản 1 Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015)
- Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp chotrung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
- Người lao động được ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ hoặc gửi hồ sơ theo đường bưu điện nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;
b) Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;
c) Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, song thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.
Ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp nêu trên là ngày người được ủy quyền trực tiếp nộp hồ sơ hoặc ngày ghi trên dấu bưu điện đối với trường hợp gửi theo đường bưu bưu điện.
Hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm: (Khoản 1, 2, 3 Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015)
a/ Đơn đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp (theo mẫu của Bộ Lao động thương binh và xã hội quy định);
b/ Quyết định chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐ làm việc đã hết hạn hoặc quyết định thôi việc hoặc quyết định sa thải hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc hoặc thông báo chấm dứt hợp đồng lao động.
c/ Sổ bảo hiểm xã hội.
d/ Chứng minh nhân dân;
e/ 02 tấm hình 3x4 (mở thẻ ATM);
7. Thời hạn giải quyết hưởng BHTN: (Khoản 1 Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015).
Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận đủ hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
8. Chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp:
- Người lao động đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp theo quy định mà có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh, thành phố thuộc Trung ương khác thì phải làm đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ LĐTBXH quy định gửi Trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Khi nhận được hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động trả lại thẻ BHYT cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
9. Hiệu lực thi hành:
- Luật Việc làm có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015
nguồn: internet
Bạn có nhu cầu học khóa học kế toán doanh nghiệp ngắn hạn (đào tạo nghề kế toán cho người chưa biết về kế toán) hoặc khóa học kế toán thực hành trên chứng từ thực tế xin vui lòng nhấp vào tên khóa học bên dưới để xem chi tiết: