Công ty Slearning đã gom hồ sơ và thu tiền của các học viên, nhưng đến hẹn, học viên không được tổ chức thi, cũng không có những giải thích thỏa đáng. Nghi ngờ bị lừa, họ đã trình báo cơ quan chức năng.
Sau khi phản ánh sự việc trên Báo CAND, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu về vụ việc trên, cũng như các đơn vị có liên quan. Trên chứng chỉ tiếng Anh do các học viên cung cấp có thể hiện đơn vị cấp chứng chỉ là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chứng chỉ tin học là do Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội cấp.
Phóng viên Báo CAND đã có buổi làm việc với đại diện Viện Công nghệ thông tin, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội về vấn đề trên. TS Lê Cường, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Khoa học – Công nghệ và Đào tạo và ông Đức Anh, Phó trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Viện Công nghệ thông tin khẳng định, Viện không có bất kỳ văn bản nào liên kết đào tạo, cấp chứng chỉ Tin học với Công ty Slearning.
Các học viên trình bày sự việc với PV Báo CAND. |
Hiện Viện cũng đang phối hợp với cơ quan Công an để làm rõ chứng chỉ tin học mà các giáo viên cung cấp là giả hay thật. Đại diện Viện Công nghệ thông tin cũng cho biết, xuất phát từ nhu cầu đào tạo, Viện có liên kết đào tạo với một số đơn vị, “nhưng chắc chắn không có chuyện không thi mà được cấp chứng chỉ” – đại diện Viện Công nghệ thông tin cho biết.
Ngày 28-10, làm việc với phóng viên, TS Trịnh Tuấn Anh, Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, trường là 1 trong những đơn vị được Bộ Giáo dục & Đào tạo giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng và đánh giá, cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung Châu Âu.
Tuy nhiên, Trường không có liên kết đào tạo với Công ty Slearning mà chỉ liên kết với một số đơn vị có đủ điều kiện liên kết như các Trường cao đẳng trở lên, cá biệt có Trường Trung cấp đã liên kết từ trước đây. Trong chương trình đào tạo cấp chứng chỉ do Trường tổ chức có những quy định bắt buộc như: học viên phải học tối thiểu 80 tiết/100 tiết chương trình, không mời giáo viên trường ngoài giảng dạy…
Làm việc với phóng viên Báo CAND, bà Lê Thị Vinh, Giám đốc Công ty Slearning giải thích: Công ty không tổ chức ôn thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học mà hợp đồng với các đơn vị được cấp chứng chỉ. Công ty Slearning chỉ thu gom hồ sơ rồi chuyển tới các cơ sở liên kết đó.
Cụ thể, Công ty hợp tác với Trường Trung cấp đa ngành Hà Nội (ở phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội) và Trung tâm hợp tác phát triển GD&ĐT. Từ tháng 8-2016 đến 9-2016, Công ty thu được 364 hồ sơ đăng ký cấp chứng chỉ Tiếng Anh, mỗi hồ sơ thu 3,5 triệu đồng. Sau đó, số hồ sơ này được chuyển đến Trường Trung cấp đa ngành Hà Nội cùng với số tiền 2 triệu đồng/hồ sơ.
Đại diện Trường Trung cấp đa ngành Hà Nội hẹn sẽ tổ chức cho các học viên thi trong 3 ngày 5, 11, 22 -10. Tuy nhiên, trong ngày 22-10 trường hoãn thi lại không thông báo với các học viên. Bởi vậy, ngày 22-10, hơn 100 học viên đến thi mà không được thi. Trong khi đó, một số học viên lại cho biết chứng chỉ tin học phát ra từ phía Công ty Slearning có nhiều dấu hiệu sai sót nên đồng loạt phản ứng.
Trong ngày 22-10, Công ty Slearning đã liên hệ với Trường trung cấp đa nghề Hà Nội làm việc với Công an phường Trung Hòa, Công an quận Cầu Giấy và thống nhất trả lại tiền cho các học viên. Bà Vinh cho biết, từ ngày 22 đến nay, Công ty Slearning đã trả lại cho 353 học viên, mỗi học viên 3,5 triệu đồng như đã thu. 11 học viên còn lại chưa đến lấy tiền vì lý do việc riêng.
Đối với chứng chỉ tin học, cũng trong 2 tháng qua, Công ty Slearning đã thu 260 hồ sơ với mức phí 2,5 triệu đồng/hồ sơ và hợp tác thực hiện với Trung tâm đầu tư phát triển giáo dục Việt Nam do ông Đỗ Thanh Tuân làm Giám đốc.
Bà Vinh đưa cho ông Tuân 1,1 triệu đồng/hồ sơ, số tiền còn lại để chi trả cho nhân viên, chi phí văn phòng… Đã có 90 chứng chỉ được cấp cho học viên. Sau khi các học viên phản ứng và đòi lại tiền, bà Vinh liên hệ với ông Tuân thì không nhận được sự hợp tác.
Bà Vinh cũng đã trình báo sự việc trên tới Công an quận Cầu Giấy. Đồng thời, phía Công ty Slearning hứa hẹn với các học viên chờ kết quả điều tra của cơ quan Công an để làm rõ đó là chứng chỉ thật hay giả. Nếu chứng chỉ đã cấp cho các học viên là giả thì sẽ hoàn lại toàn bộ tiền học viên đã nộp.
Khi chúng tôi hỏi bà Vinh trụ sở của Trung tâm hợp tác phát triển GD&ĐT, bà Vinh cho biết bà chỉ nghe nói trụ sở ở huyện Đông Anh, Hà Nội, còn cụ thể thì không rõ. Sở dĩ bà tin ông Tuân bởi trước đó hai bên đã hợp tác làm chứng chỉ tiếng Anh nên không xác minh thêm thông tin về đơn vị này. Hơn nữa, ông Tuân nói với bà rằng ông có mối quan hệ thân thiết với Viện Công nghệ thông tin nên đề nghị bà thu gom hồ sơ làm chứng chỉ tin học.
Tròn 1 tuần sau khi Công ty Slearning trả tiền cho các học viên nộp hồ sơ cấp chứng chỉ tiếng Anh, ngày 29-10, các học viên đăng ký dự thi cấp chứng chỉ tin học tiếp tục đến trụ sở Công ty Slearning đề nghị trả lại số tiền đã nộp, kể cả những người đã có chứng chỉ tin học. Công ty Slearning cũng hứa với các học viên sẽ giải quyết sự việc một cách tích cực. Tuy nhiên, cần phải chờ kết luận của Công an quận Cầu Giấy mới có hướng xử lý tiếp theo.
Sự việc xảy ra giữa hàng trăm học viên là các giáo viên cần chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với Công ty Slearning cho thấy, quy trình đào tạo, cấp chứng chỉ hiện nay đang tồn tại những vấn đề bất cập. Các giáo viên thì chạy đôn chạy đáo để có được chứng chỉ làm tấm vé là điều kiện để ổn định nghề nghiệp.
Trong khi đó các cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ thì liên kết với các đơn vị khác, nhưng đó là liên kết lỏng lẻo, không đảm bảo được chất lượng của học viên đã được cấp chứng chỉ. TS Trịnh Tuấn Anh, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐHSP Hà Nội cho biết, Trường cũng mới tạm dừng liên kết với một số cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ do có dấu hiệu lộn xộn…