Phải thu, phải trả tại doanh nghiệp
Để hạch toán các khoản phải thu, phải trả của đơn vị một cách chính xác đòi hỏi kế toán phải nắm vững tình hình hoạt động kinh tế – tài chính của đơn vị mình; theo dõi và phản ánh kịp thời các khoản phát sinh của từng đối tượng phải thu, phải trả. Căn cứ vào các hợp đồng, các chứng từ, cam kết thanh toán… để kế toán thực hiện phản ánh các khoản phải thu, phải trả trong kỳ kế toán. Việc hạch toán cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
Phải thu phải trả
- Thứ nhất là phải theo dõi chi tiết từng khoản nợ phải thu, phải trả theo từng đối tượng, thường xuyên tiến hành đối chiếu, kiểm tra, đôn đốc việc thanh toán
- Thứ hai là phải kiểm tra, đối chiếu theo định kỳ hoặc cuối mỗi niên độ từng khoản phải thu, phải trả phát sinh, số đã thu, đã trả; số còn phải thu, phải trả; đặc biệt là đối với các đối tượng có quan hệ giao dịch, mua bán thường xuyên, có số dư phải thu, phải trả lớn.
Sở dĩ, cuối mỗi niên độ, thậm chí cuối mỗi kỳ kế toán bộ phận kế toán công nợ phải tiến hành đối chiếu các khoản phải thu phải trả với từng đối tượng để tránh sự nhầm lẫn, đồng thời, kịp thời phát hiện những sai sót để sửa chữa. Mặt khác, đó cũng là việc làm cần thiết để lập được bộ chứng từ thanh toán công nợ hoàn chỉnh.
- Thứ ba là đối với các khoản công nợ có gốc ngoại tệ cần phải theo dõi cả về nguyên tệ và quy đối theo đồng tiền Việt Nam. Cuối mỗi kỳ đều phải điều chỉnh số dư theo tỷ giá hối đoái thực tế.
- Thứ tư là phải chi tiết theo cả chỉ tiêu giá trị và hiện vật đối với các khoản nợ bằng vàng, bạc, đã quý. Cuối kỳ, phải điều chỉnh số dư theo giá thực tế.
- Thứ năm là phải phân loại các khoản nợ phải thu, phải trả theo thời gian thanh toán cũng như theo từng đối tượng để có biện pháp thu hồi hay thanh toán./.
- Thứ sáu là phải căn cứ vào số dư chi tiết bên Nợ (hoặc bên Có) của các tài khoản phải thu, phải trả để lấy số liệu ghi vào các chỉ tiêu trên bẳng cân đối kế toán mà tuyệt đối không được bù trừ số dư giữa hai bên Nợ, Có với nhau.
Đó là những nguyên tắc rất khoa học mà người làm công tác kế toán cần phải thực hiện khi quản lý và hạch toán các khoản phải thu, phải trả. Bởi lẽ tổng số dư chi tiết các khoản phải thu và tổng số dư chi tiết các khoản phải trả là số liệu phản ánh tổng số tiền mà đơn vị còn phải thu của khách hàng hay còn phải trả cho khách hàng tính đến thời điểm lập báo cáo. Đương nhiên, các số phải thu, phải trả này là của những đối tượng khác nhau và họ đều chưa có sự chấp thuận bù trừ cho nhau. Bởi nếu như có thoả thuận bù trừ của các đối tượng phải thu, phải trả với nhau thì kế toán đã căn cứ biên bản thoả thuận đó để thực hiện hạch toán bù trừ trong quá trình hạch toán rồi. Nếu tự ý thực hiện bù trừ khi lập báo cáo tài chính thì người đọc sẽ không thể hiểu được chính xác tổng số nợ phải thu hoặc phải trả phản ánh trên báo cáo tài chính khi đã bù trừ là số thực tế phải thu, phải trả của đơn vị
Nguồn : danketoan
Bạn có nhu cầu học khóa học kế toán doanh nghiệp ngắn hạn (đào tạo nghề kế toán cho người chưa biết về kế toán) hoặc khóa học kế toán thực hành trên chứng từ thực tế xin vui lòng nhấp vào tên khóa học bên dưới để xem chi tiết:
Khóa học kế toán doanh nghiệp tại TPHCM
Học Kế Toán Thực Hành Tổng Hợp Trên Chứng Từ Thực tế