Tin học KEY xin chia sẻ bài viết về: Nhận diện lừa đảo việc làm thêm cuối năm

Để giúp quý học viên nâng cao cảnh giác trong việc tim việc làm thêm cuối năm, nay Tin học KEY xin phép báo Thanh Niên chia sẻ lại bài viết trên báo Thanh Niên với nội dung: 

"Nhận diện lừa đảo việc làm thêm cuối năm

 2 THANH NIÊN
Do nôn nóng muốn có việc làm thêm để kiếm tiền trang trải chi phí trong thời gian đi học, nhiều sinh viên nhẹ dạ lao vào bẫy lừa khi đi tìm việc.
Lao động trẻ bị lừa đóng tiền ở một trung tâm giới thiệu việc làm   /// Ảnh: Nhật Linh
Lao động trẻ bị lừa đóng tiền ở một trung tâm giới thiệu việc làm
ẢNH: NHẬT LINH


Dính phải đa cấp

Tin những thông tin đăng tuyển trên mạng xã hội, Nguyễn Văn Quang, sinh viên (SV) Trường ĐH Công nghệ thực phẩm TP.HCM, không ngờ có ngày mình vừa mất số tiền lớn vừa không có việc làm như ý muốn.
Quang kể những ngày cuối năm có nhiều thời gian rảnh rỗi nên muốn tìm công việc làm thêm. Vô tình lên mạng, Quang thấy một nhóm có tên “Việc làm thêm Tân Phú” đăng bài tuyển dụng vị trí nhân viên nhập liệu bán thời gian. Thông tin đăng tải thời gian làm việc, mô tả công việc khá chi tiết nhưng không để rõ địa chỉ công ty. Qua liên lạc, Quang được một người hẹn đến một tòa nhà ở Q.Tân Phú để phỏng vấn.
“Đến nơi họ cũng bắt phải có hồ sơ, phỏng vấn giống như một công ty bình thường. Rồi họ hẹn tôi tuần sau đến nhận việc trao đổi về sản phẩm khiến tôi thấy lạ vì không giống như mô tả công việc ban đầu. Kế tiếp, họ hẹn lên nói về chính sách lương bổng và bắt đóng tiền để thăng hạng làm việc. Tôi không có tiền thì họ nói tôi vay tiền ngân hàng, cầm đồ để đóng vô cho công ty hàng chục triệu đồng mới làm việc được. Gần 1 tháng tôi thấy mình bị lừa, vào làm mà mình không làm gì, cũng không có lương nên tôi quyết định dừng, đòi lại tiền nhiều lần nhưng vẫn không được”, Quang cho hay.
Trương Kiều Loan, SV Trường ĐH Công nghệ thực phẩm TP.HCM, cho hay nghe lời bạn đến một công ty trên đường Lê Trọng Tấn (Q.Tân Phú) để xin việc. Đến đây, Loan được ghi hồ sơ xin việc, bị bắt đóng 250.000 đồng tiền đồng phục rồi cho vào một lớp học về mỹ phẩm. Không dừng lại, nhân viên quản lý lấy cớ buộc Loan phải viết cam kết, đóng tiền thế chân 2 triệu đồng nếu muốn tiếp tục làm việc. Một tuần sau, chưa thấy người giao việc, ai nấy đều im lặng nên Loan quyết định xin nghỉ, đòi tiền nhưng vẫn không được. Cuối cùng Loan nhận thấy mình bị lừa, công ty chỉ muốn người ngoài đóng tiền cọc rồi chiếm đoạt nhưng không tổ chức được việc làm. Loan chỉ biết ngậm ngùi bỏ qua số tiền gia đình chu cấp hằng tháng.
Vừa thoát khỏi cú lừa việc làm từ đa cấp, Trần Bá Vạn (21 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) lại tiếp tục bị lừa bởi chủ một quán cà phê. Theo Vạn, khi tìm việc trên mạng đều thấy nhiều bài đăng tin tuyển nhân viên làm việc bán thời gian. Địa điểm là ở một quán cà phê đường Nguyễn Sơn (Q.Gò Vấp). Thấy hợp lý, Vạn đến phỏng vấn bị chủ quán bắt mua nước mới thỏa thuận công việc. Chủ quán tìm mọi lý do đuổi việc sau tháng thử việc đầu tiên.

Tìm hiểu kỹ thông tin trên mạng

Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp và thực phẩm TP.HCM, cho biết thời gian gần đây đơn vị ghi nhận nhiều phản ánh của SV về tình trạng lừa đảo khi tìm việc làm thêm. Đặc biệt, những nhóm đối tượng thường lựa chọn thời điểm nhu cầu việc làm SV tăng cao vào đầu năm học hoặc cận tết để ra tay lừa đảo.
“Các nơi này hoạt động rất tinh vi, khó nhận biết. Đa phần các đối tượng ẩn danh đăng tải thông tin tuyển dụng lên mạng xã hội, kèm mức thu nhập và thời gian làm việc hấp dẫn. Sau đó nhận hồ sơ, thực hiện phỏng vấn, ký hợp đồng làm việc rồi bán đồng phục, sản phẩm cho SV với giá cao. Khi SV đóng tiền thế chân, các đối tượng này để SV chờ đợi mà không bao giờ gọi đến làm việc. Mục đích chính là chiếm đoạt tiền cọc hoặc dụ dỗ SV vào đường dây đa cấp, ép SV tham gia đóng tiền mua sản phẩm. Nhiều SV thiếu trải nghiệm cuộc sống dễ dàng mắc bẫy”, bà Thoa nói.
Cũng theo bà Thoa, khi nhận thấy tình hình, nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp tư vấn, cảnh báo để SV nhận diện các thủ đoạn nêu trên. Đồng thời, trường khuyên SV nên tham gia các hoạt động Đoàn, Hội ở trường học để dễ dàng nắm bắt thông tin, nơi tuyển dụng uy tín nhất.
Ông Nguyễn Văn Sang, Phó giám đốc trung tâm việc làm thanh niên TP.HCM, cho rằng hiện nay tình trạng “môi giới” việc làm thường đưa ra các thông tin việc làm không rõ ràng, việc nhẹ, lương cao, yêu cầu tuyển dụng dễ dàng. Các trung tâm việc làm tự phát còn lợi dụng danh nghĩa của siêu thị, công ty lớn đăng tin tuyển dụng nhân viên làm việc thời vụ kèm theo đóng phí môi giới trước với giá cao. Thực chất các trung tâm tự phát sử dụng những chiêu trò đó hoàn toàn không có kết nối hoặc giao kèo với các công ty đang cần tuyển dụng. Nếu thấy những lời rao như vậy, bạn trẻ nên kiểm chứng lại thông tin với công ty đó nhiều lần.
“Cách tốt nhất là bạn trẻ không nên đóng tiền phí cho các trung tâm giới thiệu việc làm hiện nay vì có nhiều đơn vị giới thiệu không thu phí người lao động. Thậm chí có doanh nghiệp có nhu cầu tuyển người thật sự cũng không bao giờ thu phí người lao động”, ông Sang nói.

Ông Sang cũng khuyên các bạn trẻ khi tìm việc làm thêm nên tìm hiểu kỹ ở những trung tâm giới thiệu việc làm uy tín, có thời gian hoạt động lâu năm, những nơi này hoàn toàn không thu phí của người tìm việc."

Link bài viết gốc: https://thanhnien.vn/gioi-tre/nhan-dien-lua-dao-viec-lam-them-cuoi-nam-1326912.html




Đăng nhận xét - bình luận

Đào tạo tin học KEY

CN: Lê Trọng Tấn

Địa chỉ: 203 - 205 Lê Trọng Tấn, P. Sơn Kỳ, Q. Tân Phú, TP. HCM.
Điện thoại: (028) 22 152 521
Website: key.com.vn - Email: [email protected]

CN: Nguyễn Ảnh Thủ

Địa chỉ: 765-767A (Số mới: 558-560A) Nguyễn Ảnh Thủ, P. Tân Chánh Hiệp, Q. 12, TP. HCM.
Điện thoại: (028) 2242 2244
Website: key.com.vn - Email: [email protected]

Trở lên đầu trang